Trang Web của GS Ng Văn Tuấn Thứ bảy, 08 Tháng 9 2012 09:15 | |
Đọc bài này (Mất cơ hội việc tốt vì tiếng Anh trên bằng tốt nghiệp) mới thấy thương sinh viên Việt Nam. Chỉ vì cách viết tiếng Anh không giống ai trên văn bằng mà ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự nghiệp của một cá nhân. Vấn đề không chỉ là tiếng Anh, mà còn là hội nhập. Cách viết tiếng Anh trên văn bằng của Việt Nam cần nên xem xét lại và sửa đổi sao cho phù hợp hơn với thông lệ quốc tế.
Trước đây, khi có người nêu vấn đề, tôi không hiểu văn bằng “Degree of Associate” là gì, nhưng nay thì tôi hiểu danh xưng văn bằng đó xuất phát từ đâu. Như bài báo này cho biết thì nó xuất phát từ những qui định trong Thông tư 19 của Bộ GD-ĐT. Và, theo tôi thì những qui định này nên xem xét lại. Qui định của Bộ GD-ĐT viết như sau:
Cách viết văn bằng như qui định trên đây có thể tóm tắt theo công thức: DEGREE + danh xưng nghề nghiệp. Cách viết như thế thể hiện sự lẫn lộn về danh xưng nghề nghiệp và văn bằng. Những danh từ như engineer (kĩ sư), architect(kiến trúc sư), pharmacist (dược sĩ) là danh xưng nghề nghiệp. Nhưng bachelor thì không phải là danh xưng nghề nghiệp mà là một văn bằng cử nhân. (Dĩ nhiên, chữ bachelor trong tiếg Anh còn có nghĩa là người độc thân, nhưng chúng ta sẽ không bàn ở đây). Còn doctor of medicine thì là một văn bằng hẳn hoi (M.D).
Thông thường cách viết tên văn bằng của các đại học trên thế giới (ngoại trừ Việt Nam) thì theo công thức Học vị + Chương trình học. Học vị ở đây có nghĩa tiếng Anh là Award. Những danh vị như Bachelor (cử nhân), Master (cao học), Doctor (tiến sĩ) là award. Chương trình học là danh từ chung để chỉ những ngành như khoa học (science), kĩ thuật (engineering), y học (medicine), v.v… Thỉnh thoảng có trường còn thêm ngành học (major) trong văn bằng. Chẳng hạn như văn bằng là Bachelor of Science, nhưng ngành học có thể là vật lí, toán, sinh học, v.v. Hiếm thấy trường nào (hay có mà tôi không biết) viết theo công thức của Việt Nam.
Có lẽ cũng cần bàn qua chữ degree trong văn phong khoa bảng. Trong văn nói hàng ngày hay văn viết không trịnh trọng (informal), chúng ta thường nói hay viết he has a degree in biology có thể hiểu rằng ông ấy có một văn bằng về sinh học. Chữ degree ở đây được hiểu là cấp cử nhân trở lên, vì người có bằng diploma hay certificate thì không thể xem là có degree được. Degree không nói cụ thể ông ấy có văn bằng cấp cử nhân, cao học, hay tiến sĩ. Degreethường dùng trong văn nói, chứ ít khi nào (có nhưng ít) trong văn bằng mang tính pháp lí. Do đó:
Nói chung, cách viết của Bộ còn thiếu nhất quán. Nếu viết Degree of Pharmacist, thì người ta phải hỏi tại sao không viết “Degree of Biologist”, “Degree of Economist”, “Degree of Lawyer”, v.v. mà lại viết chung là “Degree of Bachelor”?!
Vấn đề kế đến là tiếng Anh chưa ổn. Chẳng hạn như cụm từ “The President of Saigon Technology University has conferred THE DEGREE OF ENGINEER Upon Mr. Bui Tu San” là không chuẩn. Đây là cách viết rất Việt Nam, vì sau động từ confer là tên bằng cấp rồi mới đến tên cá nhân. Cách viết tiếng Anh đúng phải là cá nhân trước rồi mới đến tên bằng cấp [cấp cho ông ABC văn bằng cử nhân XYZ, chứ không phải cấp bằng cử nhân XYZ cho ông ABC]. Thứ hai là một cá nhân hiệu trưởng thì không cấp bằng được, mà phải là hội đồng hay một cơ chế tương tự mới cấp bằng cho thí sinh. Đáng lẽ nên viết là:
THE SAIGON UNIVERSITY OF TECHNOLOGY
By authority of the University Council
has conferred upon
BUI TU SAN
The Degree of
BACHELOR OF SCIENCE
(và những dòng chữ mang tính pháp lí)
Ở Úc thì các đại học có cách viết trang trọng như sau (ví dụ):
THE UNIVERSITY OF SYDNEY
By authority of the Council
THU NGOC TRAN
has this day been admitted to the degree of
BACHELOR OF SCIENCE
and to all the privileges attached thereto.
The Common Seal of the University has been hereto affixed
This twentyfifth day of September 2008
Tóm lại, vấn đề bài báo nêu lên rất đáng quan tâm. Tôi nghĩ Bộ GD-ĐT nên xem xét kĩ và tham khảo cách viết tiếng Anh trên văn bằng ở nước ngoài để có một chuẩn phù hợp với qui ước quốc tế hơn. Không nên viết phôi bằng theo công thức "Degree + tên nghề nghiệp", mà nên viết theo công thức "Học vị + Chương trình học" như thông lệ quốc tế. Cũng nên chỉnh sửa tiếng Anh cho đúng chuẩn mực hơn. Không nên vì bảo thủ mà gây ảnh hưởng đến sự nghiệp và việc học của nhiều cá nhân, hay thậm chí một cá nhân.
NVT
TB 1. Có bạn chỉ ra rằng cách viết "confer sth on/upon sb như The Queen conferred knighthoods on several distinguished men" cũng ok. Tôi đồng ý.
Một ý kiến khác là "The Saigon University of Technology" thì không cần "The". Tôi cũng đồng ý luôn. Nhưng có khi tôi thấy trong công văn của ĐH Oxford họ viết là "The Oxford University" mà không là "The University of Oxford". Tôi có một bài bàn về chuyện này ở đây.
TB 2. Sau đây là trích vài trao đổi giữa những người am hiểu về văn bằng để các bạn tham khảo thêm:
HDT:
Vâng, ở Pháp có văn bằng tốt nghiệp gọi là Diplome d'ingénieur, ngày xưa dịch sang tiếng Anh là Diploma of engineering (viết tắt là Dipl.-Ing. hoặc DI), bây giờ thì để thống nhất tên gọi (vì số năm học tương đương) người ta dịch là Master’s Degree in Engineering, sau đó nếu cần thì thêm thông tin về ngành nghề chuyên môn sau.
Sở dĩ ông cục trưởng này dịch sai là vì bằng này không có trong các nước nói tiếng Anh (http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/87526/mat-co-hoi-viec-tot-vi-tieng-anh-tren-bang-tot-nghiep.html), và ông ta không biết người ta dịch là gì nên dịch sai thôi. Căn bản nói về hai hệ đào tạo "kỹ sư" và "tổng hợp" là đúng, vì VN chị ảnh hưởng của Pháp, mà Pháp thì có hai loại hình đào tạo khác nhau này. Trước 75 cả hai miền Nam bắc đều có hai loại trường "đại học và "trường kỹ sư", thí dụ như Bách Khoa Phú Thọ hay Bách Khoa Hà Nội.
NĐH:
Kỹ sư là một bằng cấp đàng hoàng đã có mặt lâu cả mấy thế kỷ rồi tại nhiều nước Châu Âu (không thuộc chi phái Anglo-saxon), như Pháp (mà anh Tuấn vừa giài thích), Bỉ , Thụy Sỹ, các nước Đông Âu như Tiệp, Hung, Ba Lan ... Tại Bỉ phải thi tuyển vào các lớp kỹ sư (Etudes d'ingénieur) học 5 năm làm luận văn ra trường là tốt nghiệp bằng kỹ sư. Kỹ sư là một ngạch có chế độ lương hẳn hoi, cao hơn cử nhân học chí có 4 năm mà chẳng cần phải qua thi tuyển (Cử nhân toán, vật lý, sinh học) như kỹ sư điện, xây dựng, hóa học, cơ khí. Sau này có thêm kỹ sư vật lý, toán ứng dụng. Còn tiến sỹ thì không phải là một ngạch không có chế độ lương tuy kỹ sư phải thêm 3 năm mới có bằng tiến sỹ khoa học ứng dụng (docteur des sciences appliquées). Bên Pháp kỹ sư grandes écoles cũng phải 5 năm, hai năm Math. (sup. rồi spéc.) rồi thi tuyển vào grandes écoles học thêm 3 năm thì có bằng kỹ sư chẳng hạn cầu đường, công chánh. Tại Việt Nam ta hiện nay cũng có bằng kỹ sư, tiếp thu truyền thống của Pháp và Đông Âu, nhưng chỉ học 4,5 năm thôi. Hiện nay tại Việt nam không có bằng cử nhận xây dựng, chỉ có kỹ sư xây dựng.
Tại Châu Âu 20 nước sau hiệp ước Bolonia (2001), tất cả các nước thay đổi theo chế độ Anglo-saxon (và sẽ phải thực hiện cho đến 2010 là phải xong): 3 năm: Bachelor (cử nhân), +2 năm: Master +3: Ph.D. Tại Bỉ cải cách được áp dụng rất nhanh. Qua năm 2006 thì toàn bộ các ĐH Bỉ đổi qua chế độ mới mà các bạn ở Úc hay Mỹ quen thuộc... Pháp bảo thủ hơn, đi chậm hơn nhất là các grandes écoles.. Tuy nhiên theo chỗ tôi biết thì nay hầu hết các ĐH đã hoàn thành ngả qua chế độ mới. Tại VN, tôi đã cố vận động cải cách theo hiệp ước Bolonia cho phù hớp với thế giới nhưng hoàn toàn thất bại cho đến này nay.
Theo: http://nguyenvantuan.net/education/3-edu/1552-lai-tieng-anh-tren-van-bang-dai-hoc-
xem thêm : http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/87526/mat-co-hoi-viec-tot-vi-tieng-anh-tren-bang-tot-nghiep.html
(Vĩnh Thuận - Ngọc hà - 18/9/2012)
|
Thứ Ba, 18 tháng 9, 2012
Tiếng Anh trên bằng đại học!
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét