Thứ Ba, 20 tháng 3, 2012


GS NG. TÀI CẨN VỚI VĂN HỌC SỬ

(Vĩnh Thuận - 21/3/2012) - Đây là bài đăng trên tạp chí Tia sáng, xin lưu vào đây để đọc dần.

Khoa học
03:57-19/03/2012
GS Nguyễn Tài Cẩn với chuyên ngành nghiên cứu lịch sử văn học dân tộc
Trần Ngọc Vương

GS Nguyễn Tài Cẩn (1926-2011)
Nói đến GS Nguyễn Tài Cẩn, những người có sự am tường nhất định về khoa học xã hội và nhân văn ở Việt Nam đều có thể đồng thanh khẳng định ông là nhà ngôn ngữ học lỗi lạc, người anh cả của ngành ngôn ngữ học nói chung, Việt ngữ học và Hán ngữ học nói riêng. Địa vị của GS trong ngành hẹp của mình có thể nói là “bất khả tỷ giảo”.
Thông thường, nhà khoa học lớn trong một lĩnh vực nào đó thì công trình của người đó có quy mô và tính chất rộng lớn, vượt ra khỏi đường ranh giới vốn ít nhiều mang tính ước lệ giữa ngành hay chuyên ngành hẹp đó, để tác động sâu sắc tới các ngành hay chuyên ngành lân cận, hữu quan. Trong những trường hợp nhất định, những ảnh hưởng lan tỏa, phát tán như vậy vẫn có thể đạt tới tầm mức to lớn và quan trọng không kém ảnh hưởng mà nhà khoa học đó đã tạo ra trong chính chuyên ngành của mình.

Sinh thời, GS Nguyễn Tài Cẩn ít công khai nói tới những suy nghĩ và dự định của mình tham gia vào công việc của các ngành hay chuyên ngành khác. Mọi biểu hiện của ông làm người ta nghĩ rằng ông nhất tâm với chỉ ngành ngôn ngữ học, ít nhất những công trình khoa học được công bố vào giai đoạn sớm của ông (cho tới cuối những năm tám mươi thế kỷ trước) dường như hàm ý ấy.

Được trời phú cho tư chất hơn người (“Tài”), hành chức nhất tâm tậm lực đã đam mê lại chuyên cần (“Cẩn”), cái sự thành đại nghiệp trong một chuyên ngành ở GS dường là đương nhiên. Xin được chia sẻ ý kiến nhận xét sâu sắc và thâm trầm của GS Nguyễn Đức Dân về vị tiền bối trực tiếp : “Ảnh hưởng của ông tới giới ngôn ngữ học Việt Nam lớn nhất, lớn đến nỗi những khuynh hướng nào ông không quan tâm hoặc không thích thì khó mà phát triển”1.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét