Thứ Sáu, 3 tháng 8, 2012

CHÚC MỪNG SINH NHẬT BÁC PHÁT




Hôm nay ngày 3 tháng 8 là Sinh Nhật của Lão Giáo sư Vĩnh Phát, con cụ Vĩnh Sinh - nhà giáo có công lập trường học đầu tiên của xã Nam Phong trong những ngày đầu tiên của nước VNDCCH non trẻ năm 1945, cháu cụ đồ Thiệu Đường - người có công khôi phục và lập Gia phả của dòng họ Nguyễn Văn ở làng Nam Phú, Hà Tây cũ.

Bác Phát là người đầu tiên đi học đại học và có bằng cử nhân trong nhà mình, vì lúc đó bác Bảo đang đi làm ở Cao Bằng và bác Mệnh đã đi xa. Bác Phát là "ông nghè" đầu tiên của dòng họ Nguyễn Văn và chắc cũng là tiến sĩ đầu tiên của làng Nam Phú.

Trong lịch sử, họ Nguyễn Văn chỉ có 2 cụ cử và dăm cụ tú. Ông nội Thiệu Đường đi thi nhiều lần cũng chỉ đỗ nhị trường, nản chí cụ về làng làm ông đồ dạy trẻ và bốc thuốc cho bà con lối xóm. Sau Cách mạng tháng Tám, người đầu tiên có bằng kỹ sư là  chú Ng. Vân Tiếp (con ông Nhiếp), nay ở Sài Gòn, và có lẽ bác Phát là người thứ hai của dòng họ Nguyễn Văn có trình độ cử nhân rồi kỹ sư (ĐH Tổng hợp HN 1969 và ĐH Hàng hải VN 1976) trong thời đại Hồ Chí Minh. Đến bây giờ tính trong họ nội tộc, cũng chỉ ở nhà ta mới có 3 tiến sĩ là bác Phát với chú Hùng và cháu Minh. Nói thế để thấy tội của tôi rất to, làm cụ Sinh và cụ Hỷ buồn phiền vì đã không làm xong nghiên cứu sinh để thêm rạng danh họ Nguyễn Văn của xứ Nam Phong Hà Tây.

Bác Phát đã là Nhà giáo ưu tú năm 1998 (có bài viết trong bộ sách "Chân dung các nhà giáo ưu tú Việt Nam", NXB Thanh niên, HN 1999) và được nhà nước phong Phó Giáo sư năm 2002. Lúc đó, cụ Sinh vui lắm. Trong nhà, cụ ưng ý nhất là bác Phát (còn chán nhất, không biết cụ chọn tôi hay chú Hùng đây nhỉ, hi hi?).



Bác Phát là người rất có ý chí, có lẽ chỉ sau cụ Sinh. Năm 1980, đang học để thi NCS ở Kim Liên nhà chú Rôm cô Bình, mẹ Kim mất, bác vẫn vững lòng ôn luyện để 1 tuần sau khi mẹ từ trần, bác vẫn thi đỗ đi Ba Lan làm tiến sĩ. Năm 2005, bị bệnh nặng, Bác kiên trì tập luyện cùng chế độ ăn kiêng, đến bây giờ sau 7 năm sức khỏe bác vẫn còn hơn ối người trong nhà mình (tuy năm nay vừa phải đặt thêm 2 stend ở tim). Tôi thì chịu, nếu bị như Bác chắc "lên nóc tủ ngắm gà khỏa thân" từ lâu rồi.

Bác là người phát triển toàn diện. Tiếng Tàu tiếng Tây làu làu, gần đây sung mãn về thư pháp, cho mọi người nhiều chữ chơi Tết rất đẹp. Là dân kỹ thuật và toán, mà vẽ tranh phong cảnh ngang ngửa với các họa sỹ chính thống. Ngày học cấp 3 ở Trường Chu Văn An, Bác học đều các môn, luôn chỉ dẫn chị Đạt và tôi về cách học môn văn và làm văn. Sổ liên lạc của Bác tôi còn giữ, toàn điểm 5 chi chít (ngày xưa cấp 3 cho điểm cao nhất là điểm 5). Thể thao thì khỏi nói, Bác chịu khó tập tạ, tôi chỉ học mót tập ké theo Bác mà có "phom", sau này  các em mê tít. Thêu thì thôi rồi siêu thủ, suýt nữa cụ Hỷ bắt bác đi học Trường Mỹ thuật để sau này tiếp nối bàn tay vàng "nghệ nhân thêu" của cụ.

Thôi iem chẳng kể nữa, kẻo Bác lại bẩu "thằng iem cho bác lên mây".

Đặc biệt nhất, nhà Bác là "nhà giáo toàn tòng" (mượn từ của bên theo đạo Chúa): Ông nội và Ông ngoại cháu Minh là nhà giáo (nhà giáo làng tiểu học và nhà giáo sáng lập ngành Địa sư phạm VN) - Bác và bác Đoàn, người bạn đời lãng mạn cùng dạy 1 khoa 1 trường - Cháu Minh, tiến sĩ ở Ba Lan về đã công tác ở Trường Đại học Đại Nam. Đối với dòng họ, Bác đã "cung cấp" 1 tiến sĩ thế hệ nối tiếp là cháu Ng. Nguyên Minh, nối dài truyền thống hiếu học họ ta. 


Ngày sinh của lão giáo sư, cầu chúc Bác ung dung tự tại, vui khỏe cùng anh em và con cháu, lãng mạn tình già cùng Bác gái, hưởng phúc dài lâu.






Em: Vĩnh Thuận


(Ngọc hà - 3/8/2012)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét